Ads

Ads
Công ty thiết kế nội thất shop
 

Võ Trọng Nghĩa là cái tên đã nổi đình nổi đám trong giới kiến trúc. Những công trình Gió nước và tre, những công trình cây mọc từ bê tông của Võ Trọng Nghĩa đã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Các giải thưởng kiến trúc quốc tế, Võ Trọng Nghĩa đều tay nhận hằng năm. Còn một nghĩa khác của sự “nổi đình nổi đám” là những tác phẩm của Võ Trọng Nghĩa luôn là đề tài tranh luận với nhiều ý kiến khen chê, phản bác thậm chí dậy sóng không chỉ trong giới kiến trúc mà cả dân ngoại đạo. Võ Trọng Nghĩa bình thản đón nhận tất cả những điều đó, kể cả thành công lẫn thất bại hay những ý kiến phản bác. Giải thưởng ư, lúc nào mình cũng cố gắng thì không có kết quả này cũng có kết quả khác. Hầu như tôi không đi nhận giải thưởng bao giờ. Còn phản bác ư. Thoải mái! Tôi chấp nhận mọi giá trị…

Tôi là dân ngoại đạo về kiến trúc, nhưng cũng rất ấn tượng với công trình xanh của Võ Trọng Nghĩa. Tôi để ý đến cái tên này và muốn thực hiện một cuộc trò chuyện với nhân vật này. Sáng 10 Tết, đến Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa nằm trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Tôi hơi ngạc nhiên, trong phòng chật kín người, mọi cabin đều kín chỗ, phần lớn các KTS trẻ, có cả người nước ngoài ai cũng mải mê với công việc của mình. Căn phòng gọn gàng ngăn nắp, có những kệ gỗ màu trắng đặt các mô hình bằng tre. Nhân viên làm việc im phăng phắc, thấp thoáng chỉ nghe thấy giọng Quảng Bình của Nghĩa bàn việc với khách hàng, và tiếng bàn phím lách cách cùng những cái nhấp chuột tí tách. Nhìn cái cung cách làm việc ấy tôi đoán được cơ chế làm việc ở đây và tính cách quyết liệt của người lãnh đạo.

nhung-nguyen-tac-khac-nguoi-cua-kien-truc-su-vo-trong-nghia

Bí quyết nhà lãnh đạo trẻ

Mới ra Tết mà Công ty Võ Trọng Nghĩa đã bận túi bụi thế này sao?

- Ngộp thở. Công ty đi làm từ mùng 7, không có ai xin nghỉ.

Nhìn họ làm việc say mê quá, không biết ngồi nói chuyện thế này có ảnh hưởng gì không?

- Không sao. Nếu chị đến đây vào 11, 12 h đêm vẫn có người làm việc mà không thấy ai kêu ca phàn nàn gì. Đấy đã trở thành niềm đam mê của họ rồi.

Chắc là người lãnh đạo phải “hắc” lắm?

- Không, tôi để tự họ lựa chọn cách làm việc của mình. Người tài xế ở Việt Nam hay có thói quen bấm còi và nói rằng không bấm còi không chạy được. Tôi nói một là không bấm còi hai là nghỉ việc, ông chọn con đường nào. Hay chuyện anh lái xe phải đeo găng tay trắng, nhưng không đeo, tôi vui vẻ cho anh nghỉ và tuyển một người khác, chắc chắn họ sẽ đeo găng tay trắng. Ngay ở công ty này nhân viên đi xe ngoài đường cũng không được còi làm ô nhiễm âm thanh, trừ trường hợp có khả năng người ta lao ra.

Làm sao để anh kiểm soát nhân viên của mình có thực hiện hay không?

- Phản hồi. Những chuyện đơn giản như thế nhưng mọi người cứ bỏ qua. Một người có làm việc tốt hay không phải bắt đầu từ ý thức chấp hành kỷ luật. Nếu không thì đừng bao giờ hy vọng. Đừng bao giờ.

Công ty anh còn nguyên tắc nào khác nữa không?

- Nhân viên công ty không được phép gọi vào số điện thoại riêng của tôi.

Thế thì bất tiện, nhỡ có việc gì cần xin ý kiến của anh?

- Gọi làm gì? Phải tự mình nghĩ ra cách giải quyết. Và có hệ thống bao nhiêu người có thể giải quyết công việc thay tôi.

Và tiếp nữa? Còn điều gì không được phép nữa?

- Ở công ty không được phép nói nhược điểm của người khác, trừ khi điều đó làm ảnh hưởng công việc. Tôi không đánh giá cao, thậm chí là xem thường những người hay nói về nhược điểm của người khác khi không có mặt của họ.

Quá hay. Tôi thích nguyên tắc này. Buôn chuyện, mách lẻo về người khác thật kinh khủng. Tuyển vào công ty anh có khó không?

- Cả một chồng hồ sơ cao, chỉ có vài người thôi à. Chỉ chọn người có năng lực nhiệt huyết chứ không chọn người đến đây để ngồi chơi xơi nước. Tôi nói với họ là bây giờ lỡ chúng ta đi ra thế giới rồi, bây giờ phải đi đá Worl Cup, tôi cần những người có lòng nhiệt tình, còn những thứ khác thiếu đâu bù đó. Và họ chấp nhận. Ở công ty này rất ít người xin nghỉ. Họ có thể nghỉ việc vì những lý do riêng. Ok. Tắc đường ư, chỉ một lần thôi, chứ không phải cả tuần đâu nhé. Đừng bịa ra các lý do, rồi đến lúc không còn cơ hội để mà bịa ra các lý do. Còn nếu đi làm về sớm ư, trước khi về hãy qua bàn chào tôi đã.

Khắt khe thế mà vẫn có người tuyển vào Công ty Võ Trọng Nghĩa?

- Giống như cục nam châm, hút cục sắt, rồi lại hút cục sắt khác làm cho cục nam châm ấy to dần lên. Tôi trọng người tài. Và tạo cơ chế để họ làm việc yên ổn. Bây giờ Công ty đã có 60 kiến trúc sư, trong đó có 15 người nước ngoài đang làm việc cho tôi. Việc vì sao họ tìm đến một công ty của Việt Nam để làm việc là câu trả lời.

Bí quyết lãnh đạo của anh là gì?

- Huy động nhiệt huyết của mọi người. Truyền cảm hứng đến mọi người. Tất nhiên là những người muốn làm việc. Tôi truyền cảm hứng đến cả những người thợ công trình.

nhung-nguyen-tac-khac-nguoi-cua-kien-truc-su-vo-trong-nghia

Tuyệt nhiên không xem ti vi, không đi quan hệ

Người ta hay hình dung kiến trúc sư sẽ là người lộn xộn, phủi phủi một tý, chất nghệ một tý. Có vẻ như không đúng với anh?

- Hoàn toàn không đúng trường hợp nào.

Anh có phải là một người quan hệ rộng?

- Cũng không đúng. Tôi chỉ ngồi làm việc ở cái bàn này thôi, không đi quan hệ ở đâu hết. Ai có việc gì, mời đến đây. Sau khi ở Nhật về, tôi cũng có quan hệ rất nhiều trong giới kiến trúc. Về Việt Nam tôi thấy nhiều công ty kiến trúc chủ yếu dựa vào các mối quan hệ. Nếu dựa vào mối quan hệ có thể công ty mình sẽ phát triển rất tốt ở Việt Nam nhưng không bao giờ có năng lực cạnh tranh trên thế giới vì đã mất sự trong sáng. Muốn xác định là làm trên thế giới thì đầu tiên phải đoạn tuyệt với cái tham trước mắt. Đặc biệt ngành kiến trúc lại tuyệt đối cần sự trong sáng.

Vì nó giống như một ngành nghệ thuật?

- Đúng vậy, giống như sáng tác nhạc ấy, mấy ai đã sáng tác nhạc được như Trịnh Công Sơn. Khó. Nếu ông sáng tác mà tính toán, đặt hàng thì không thể có những rung động như những ca khúc được cất lên từ chính cảm xúc và sự trong sáng của tác giả. Không thể nào. Điều đó là không thể nào.

Một ngày làm việc của anh bắt đầu thế nào?

- Sáng dậy mở mắt ra ngồi thiền, ăn sáng, 8h đến công ty, 8h tối về nhà, thiền trước khi đi ngủ. Hết. Tuyệt đối không xem ti vi.

Lý do?

- Tôi có đủ thông tin rồi. Đọc báo là đủ. Mà thời gian đọc báo cũng hạn chế luôn. Chỉ dành 20 phút để đọc báo thôi.

Thật khác người! Nhiều người không thể bỏ thói quen xem ti vi một ngày?

- Đó là sự lệ thuộc kinh khủng khiếp vào mọi thứ. Sự lệ thuộc đã giết chết hết sáng tạo.

Thiền mang lại cho anh điều gì?

- Đó là sức chịu đựng để đón nhận mọi thứ. Thành công hay thất bại đều đón nhận một cách nhẹ nhàng. Khi làm thì tập trung hết mình, làm cho đã còn được không được tùy duyên. Thiền giúp tôi cân bằng cảm xúc khá tốt.

Anh đã được nhận nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, nó có phải là động lực cho những công trình tiếp theo?

- Tôi cân bằng ngay cảm xúc vì thành công là nỗ lực không mệt mỏi của tôi và công ty. Vui buồn đến và đi là chuyện bình thường của cuộc sống. Và hầu như tôi không đi nhận giải thưởng bao giờ? Vì cảm giác về sự thành công không cần thiết cho sự nỗ lực tiếp theo.

Học thất bại, không phản ứng với những lời khó nghe

Anh học kiến trúc tại Nhật và đã trở về Việt Nam, tại sao anh lại trở về mà không tiếp tục học thêm?

- Đang làm tiến sĩ ở bên Nhật, ông thầy của tôi bảo: Tôi đào tạo ông để ông làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để nghiên cứu cái gì khác nữa. Tại thời điểm đó, các cuộc thi kiến trúc ở bên Nhật tôi cũng đã có giải và tốt nghiệp Đại học Tokyo của Nhật tôi đỗ thủ khoa. Rồi làm luận án tiến sĩ tôi đạt giải thưởng nghiên cứu xuất sắc nhất của Đại học Tokyo. Thầy nói, đi về học thất bại đi còn hơn là cứ thành công mãi. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi, tôi muốn trở về Việt Nam để làm việc tại Việt Nam.

Và anh đã học được thất bại nào?

- Ồ, thường xuyên luôn. Thất bại điên đảo luôn. 5 năm đầu không có việc gì để làm. Nhưng tôi vẫn cứ ngồi một chỗ thiết kế thôi và kiên quyết không đi quan hệ.

Thất bại đầu tiên sau khi trở về?

- Chuyện này tôi không thể nói ra để nhiều người biết được.

Công trình được giải thưởng kiến trúc của anh đã có nhiều bình luận, anh có nghe những bình luận đó chưa, và có chấp nhận những lời khó nghe?

- Chị thấy không, bàn làm việc của tôi còn không có máy tính, tôi cũng không quan tâm quá nhiều đến việc người ta nói gì. Đức chúa Giê su mà còn có lúc bị người ta mang ra đóng đinh mà.

Nhưng đôi khi mình cũng phải nghe những ý kiến trái chiều chứ.

- Người mình hay nhiều thành kiến và định kiến áp đặt lên những sáng tạo của người khác.

- Vì cái mới thường là thiểu số.

- Và số đông không phải bao giờ cũng đúng.

Cảm xúc của anh khi thất bại?

- Cũng bình thường?

Khi công trình của mình bị chê?

- Thoải mái, không phản ứng.

Nhưng đó có phải là phản ứng tiêu cực?

- Không hề, mà hoàn toàn trong sáng. Tôi chấp nhận mọi giá trị, mọi quan điểm. Đối với tất cả mọi nghề bí quyết thành công là bí quyết hạnh phúc. Còn chuyện người này thích chuyện này, người khác thích chuyện khác là chuyện của họ đi.

Còn sau những thất bại ấy là?

- Làm không hết việc.

nhung-nguyen-tac-khac-nguoi-cua-kien-truc-su-vo-trong-nghia

Chỉ cần 3 năm Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô đẹp trên thế giới

Với con mắt của Kiến trúc sư, anh thấy kiến trúc Hà Nội thế nào?

Tôi chấp nhận nó như nó đang là. Tôi không muốn nói quá nhiều về nhược điểm, nỗ lực làm được gì tốt hơn cho kiến trúc Hà Nội thì tôi vẫn tiếp tục làm. Tuy nhiên tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, và thấy Thủ đô Hà Nội tuy có quy mô lớn nhưng vẫn có kiến trúc và quy hoạch phải nói là khiêm tốn, kể cả so với Thủ đô của Lào hay Campuchia.

Nhưng mà làm Thủ đô đẹp lên, hay xấu đi có một phần trách nhiệm của các kiến trúc sư đấy. Anh có ý tưởng nào để Hà Nội của chúng ta đẹp hơn lên?

- Tôi đã nói rất nhiều lần, thậm chí viết thư cho thành phố đến mỏi cả tay chỉ để phấn đấu làm cái mái nhà xanh mà không hiểu sao vẫn chưa được. Ai sửa nhà bắt làm lại mái xanh, ai xin phép làm lại nhà phải có quy chế để họ làm những cái mái nhà xanh, mặt tiền xanh. Chẳng cần phải hình dung bạn chỉ cần nhìn Hà Nội từ trên cao, nếu những cái mái tôn đỏ nóng bức kia được thay bằng những mái nhà chống nóng, chống thấm, chống mưa và trồng cây thì sẽ như thế nào. Chỉ cần thay đổi một chút như vậy thôi, Hà Nội sẽ đẹp lên rất nhiều.

Anh viết thư cho thành phố bao nhiêu lần rồi?

- Viết nhiều.

Vậy họ phản hồi như thế nào?

- Chỉ có sự im lặng.

Thế sao anh vẫn viết?

- Vì như chị nói đó là trách nhiệm của kiến trúc sư. Tôi vẫn thấy những người dân mang các thùng hộp xốp lên nóc nhà trồng trông tội lắm. Nếu Hà Nội làm được điều đó, chỉ sau 3 năm thành phố của chúng ta trông sẽ rất thích mắt và có thể trở thành Thủ đô đẹp trên thế giới. Vấn đề là có muốn làm hay không thôi.

Nhưng chi phí cho mái nhà xanh chắc chắn sẽ tốn kém hơn nhiều so với mái tôn?

- Không, không hề tốn kém, mà chỉ tương đương như mái tôn?

Anh ấn tượng với công trình kiến trúc nào của Hà Nội?

- Có một số anh em làm nhà nhỏ có ý tưởng rất tốt, nhưng tiếc là còn quá ít và quá nhỏ.

Thế còn những công trình công cộng, công trình lớn hiện đại của Thủ đô?

- Công trình công cộng… công trình công cộng…. công trình nào tôi không nhớ ra.

Ở nhiều các tỉnh, thành, thậm chí ở nước ngoài, đã có những công trình lớn của KTS Võ Trọng Nghĩa nhưng ở Hà Nội, hình như chưa có?

- Cũng có một vài nhà nhỏ. Tôi không vội đâu, không có gì vội. Điều gì đến sẽ đến. Đến ngày đó, đến giờ đó, ắt sẽ đến. Có duyên thì cũng rất là dễ và rất là nhanh. Có cái tưởng chừng rất là chậm nhưng lại rất là nhanh và ngược lại. Đấy cứ bảo Hà Nội phát triển ghê gớm lắm, nhanh và rộng lắm, nhiều nhà cao lắm. Cứ tưởng thế là phát triển nhanh. Chưa chắc, thực ra tốc độ phá là siêu tốc. Thà cứ trên một nền móng chả có gì để làm từ đầu còn dễ hơn là để đến lúc Hà Nội lem nhem sửa còn khó hơn nhiều. Lòng kiên nhẫn bao giờ cũng có sức mạnh riêng của nó. Tôi cứ làm việc với niềm tin như thế.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, chúc anh năm mới với những công trình xanh mới.

Theo Anninhthudo.vn

Post a Comment

 
Top