Dưới đây là danh sách những kỹ năng mà nhà quy hoạch phải có, nếu muốn mình thành công (danh sách do Hiệp hội Quy hoạch Mỹ đưa ra):
Nguyên nhân của một loạt các phẩm chất trên là do nghề quy hoạch ngày càng đòi hỏi những kỹ năng mới để đáp ứng với biến chuyển của xã hội đô thị. Đô thị biến đổi cấu trúc và không gian bên trong của nó hàng ngày cùng với tốc độ phát triển của các hoạt động sống bên trong như kinh tế, xã hội, giao thông. Trước kia ở giai đoạn đầu và giữa thế kỷ 20, quy hoạch đô thị được quan niệm như là thiết kế một đô thị, tổ chức, bố trí hình dạng vật thể của nó, giống như chúng ta thiết kế một cái máy vậy. Vai trò chính thực hiện quy hoạch được trao cho kiến trúc sư quy hoạch và kỹ sư xây dựng, những người được đào tạo và có chuyên môn về việc thiết kế nên những sản phẩm vật chất dành cho con người cư trú.
Tuy nhiên vào thời điểm đó thì quan niệm này rất thời thượng vì nó phù hợp với mong muốn của các nhà quy hoạch hồi đó muốn xây dựng những cỗ máy đô thị đơn giản hiệu quả, thông thoáng sạch sẽ cho những vùng đô thị mới, nhất là cho những đô thị tái thiết sau khi thế chiến thứ hai tàn phá.
Quan điểm thay thế thứ hai là coi quy hoạch đô thị như một tiến trình tác động liên tục, can thiệp nhiều lần chứ không phải thiết kế và xây dựng một lần là đạt được trạng thái cuối cùng. Cách tiếp cận này là cách áp dụng lý thuyết và ra quyết định trong lĩnh vực khoa học về quản trị sang đối với quy hoạch đô thị. Theo đó thì sau khi xác định các vấn đề đô thị và các mục tiêu của quy hoạch, nhà quy hoạch sẽ cân nhắc các chính sách hoặc các quy hoạch thay thế sau đó thực hiện, khi thực hiện thì giám sát liên tục về hiệu quả thực hiện và tiến trình này sẽ luôn vận hành cho đến lúc đã cải tạo được trạng thái quy hoạch cũ hoặc xuất hiện vấn đề mới.
Qua hai cách nhìn này thì quy hoạch đô thị mang nhiều tính khoa học chính xác hơn tính thiết kế sáng tác và các nhà quy hoạch cần được đào tạo thêm nhiều kiến thức về kinh tế xã hội và địa lý. Xu hướng biến chuyển này về nhận thức của quy hoạch đô thị dẫn đến việc nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch dịch chuyển dần khỏi các trường đào tạo về kiến trúc, kỹ sư mà chuyển sang các ngành đào tạo như địa lý học đô thị, kinh tế đô thị. Và cả kiến thức về môi trường, sinh thái sau này, khi những mối lo lắng về tác động xấu của con người tới môi trường tự nhiên thúc ép các nhà quy hoạch phải lồng ghép tiêu chuẩn sinh thái vào trong dự án của mình, với khát vọng hướng tới một mục tiêu phát triển bền vững.
Mô hình cũ thiết kế kiến trúc đô thị vẫn giữ một vị trí riêng cho mình, đặc biệt khi thiết kế những dự án quy hoạch đô thị mới. Thường thì thiết kế đô thị hay xuất hiện ở những giai đoạn mang tính hành động của cả tiến trình. Tuy nhiên ở một số nước như Việt Nam chẳng hạn, quan điểm cũ này vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo.
Những quan điểm nảy sinh thập kỷ 60 phía trên thường được gọi là quan điểm hệ thống hay duy lý, vì cái nhìn về quy hoạch đô thị vẫn xuất phát từ góc độ của cơ quan quản lý, từ trên xuống. Những lý luận dựa trên quan điểm đó lại một lần nữa bị phê phán từ góc độ cộng đồng, từ dưới lên. Những năm 60, khi các phong trào dân chủ, nhân quyền, nữ quyền diễn ra mạnh mẽ ở các nước phương tây thì quy hoạch đô thị cũng không là ngoại lệ. Người ta đặt các vấn đề quy hoạch phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương, và ý kiến của những người dân phải có tầm quan trọng ngang với những nhà quy hoạch và quản lý. Vấn đề của quy hoạch là xây dựng một môi trường đô thị tốt để cho cộng đồng sinh hoạt, hướng tới cái phải đạt được chứ không phải hướng tới cái có thể đạt được. Một dự án quy hoạch đô thị ảnh hưởng khác nhau tới những nhóm xã hội trong cộng đồng, nên sẽ dẫn đến một sự đồng thuận chung, công khai để đạt được các giá trị chung, cân bằng giữa các nhu cầu của các nhóm. Như vậy quyết định quy hoạch không còn dựa trên ý chí của nhà quy hoạch hay cơ sở khoa học nữa, mà là một lựa chọn chính trị và giá trị đạt được. Tức là theo quan điểm này quy hoạch đô thị đã trở thành hoạt động chính trị. Và nhà quy hoạch sau khi dồn tâm sức nghiên cứu và thiết kế lập dự án, cần có thêm kỹ năng thuyết trình thuyết phục và làm việc với những nhóm xã hội khác nhau để cân bằng lợi ích giữa các nhóm.
Như vậy kỹ năng của nhà quy hoạch trong vòng mấy chục năm đã phải thay đổi bổ sung rất nhiều do những đòi hỏi của một đô thị ngày càng phức tạp. Từ một người chuyên thiết kế trở thành một chuyên gia phân tích kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, có kỹ năng đàm phán thỏa thuận, làm việc với cộng đồng và các nhóm lợi ích khác nhau để đề xuất và thực hiện những phương án đạt được sự cân bằng lợi ích.
Năm 1973 Aaron Wildavsky nhà phân tích chính sách người Mỹ đã nói trong bài luận “Nếu quy hoạch là tất cả, có thể nó chẳng là gì” như sau: "Nhà quy hoạch đã trở thành nạn nhân của quy hoạch; sản phẩm do anh ta tạo ra đang chôn vùi chính anh ta. Quy hoạch trở nên quá rộng lớn đến nỗi nhà quy hoạch không thể bao trùm lên tất cả các chiều của nó. Quy hoạch trở nên quá phức tạp mà nhà quy hoạch không thể theo kịp. Quy hoạch loang rộng theo nhiều chiều mà nhà quy hoạch không còn nhận ra được hình thù của nó nữa. Anh ta có thể là nhà kinh tế, nhà khoa học chính trị, nhà xã hội học, kiến trúc sư và khoa học. Tuy nhiên anh ta đang thoát ra bản chất của cái-gọi-là-quy-hoạch. Anh ta tìm thấy nó ở mọi nơi nhưng không một nơi nào cụ thể."
Trần Quang (Blog dothi)
Post a Comment